“Thợ săn đặc biệt”
Ngoài những cái tên trìu mến như “Lục Vân Tiên”, “Hiệp sĩ đường phố”, “Hiệp sĩ SBC”… mà người dân TP Hồ Chí Minh đặt cho, anh Nguyễn Văn Minh Tiến còn được ví như là người “Thợ săn đặc biệt”. Bởi lẽ, hằng ngày, sở thích của anh là rong ruổi trên những con đường để “săn cướp”. Chính cái sở thích không giống ai đó mà hơn 15 năm nay, anh Tiến đã có hơn 400 vụ bắt trộm, cướp, đóng góp không nhỏ vào phong trào giữ gìn an ninh trật tự của Thành phố.
Anh Nguyễn Văn Minh Tiến (đứng giữa) nhận khen thưởng của lãnh đạo công an TP Hồ Chí Minh. |
Nhiều người dân ngợi khen trước sự dũng cảm, nhanh nhẹn của anh. Nhưng cũng không ít người tỏ ra không đồng tình: “Ông này liều thật, chở vợ mang thai mà còn ham bắt cướp, chẳng may vợ có mệnh hệ gì thì sao”. Từ hôm đó, ngày nào anh Tiến cũng dành thời gian để đi “săn cướp” trên đường. Giờ đây, mỗi lần anh nhắc lại kỷ niệm này, anh lại vui vẻ: “Đứa con được bắt cướp từ trong bụng mẹ nên giờ cũng có khí phách*giống cha lắm”.
Anh chia sẻ: Lúc đầu, đi bắt cướp cũng có hơi run nhưng vài lần thì quen, rồi thành sở thích. Anh Tiến cười bảo rằng: “Bây giờ cướp gặp tôi thì phải run chứ không phải mình nữa. Có ngày, tôi bắt trên 10 tên cướp giật.
Luôn giữ vững quyết tâm và bản lĩnh
Theo anh Tiến, “nghề bắt cướp” không hề đơn giản. Mười mấy năm tham gia bắt cướp, anh nhận được không biết bao nhiêu lời dọa nạt của những tên tội phạm, không chỉ đưa tin dọa “xử” anh mà có lần, 4 tên vác mã tấu đuổi theo anh để chém, anh phải chạy vào công an phường mới thoát được. Không chỉ riêng tội phạm cướp giật, mà những “anh chị” giang hồ cũng gai mắt vì anh. Đe dọa không được, xử không xong, chúng tìm cách mua chuộc.
Anh kể, một lần, phát hiện được 3 đối tượng mà anh theo dõi từ lâu. Chúng chuyên trộm cắp xe đắt tiền. Anh theo chúng từ đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú) đến ngã ba Sơn Kỳ. Khi đó, chúng phát hiện chiếc xe máy hiệu SH trước quán cà phê có người trông xe. Một tên giả vờ hỏi thăm đường để đánh lạc hướng bảo vệ, tên còn lại nhanh chóng mở khóa chiếc SH chuẩn bị chạy đi. Anh lập tức chặn lại bắt quả tang. Trên đường dẫn giải tên trộm về công an phường, hắn giở trò mua chuộc: “Anh bắt em về phường, anh có được gì đâu, trong người em có bốn cây vàng em đưa cả cho anh, anh tha cho em”. Khi ấy, anh Tiến nói: “Tôi không biết sử dụng vàng”. Tên trộm vẫn ngoan cố: “Vậy anh bắt em, anh được cái gì?”. Anh cười nói: “Ờ, tôi được cái bằng khen thôi”. Tên trộm hỏi lại: “Cái bằng khen sao bằng bốn cây vàng?”. Lúc này, anh Tiến nổi giận, quát lớn “Bằng khen là danh dự của tôi, không vàng, không tiền nào mua được”.
Anh Nguyễn Văn Minh Tiến (ngồi giữa) tại buổi giao lưu Gương sáng phố phường năm 2012 do TP Hồ Chí Minh tổ chức. |
Sinh ra trong một gia đình gồm 9 anh em tại quận Gò Vấp, cuộc sống có phần khó khăn nên mới lên lớp 10, anh Tiến đã phải dừng con đường học vấn. Ngay từ nhỏ, anh đã tự bươn chải kiếm thêm thu nhập để phụ giúp cho gia đình. Đến khi lập gia đình, hành trang của anh Tiến là hai bàn tay trắng. Đôi vợ chồng trẻ thuê một căn phòng nhỏ trên đường Gò Dầu (quận Tân Phú) để sống. Hằng ngày, vợ đi bán báo, anh đi làm thuê, chạy xe ôm, bán đồ điện tử… Nghề nào anh cũng sẵn sàng làm, miễn lương thiện và giúp anh hoàn thành bổn phận của người chồng, người cha, một trụ cột gia đình. Trước những khó khăn chồng chất về cuộc sống đời thường, anh Tiến vẫn hoàn thành công việc của một “hiệp sĩ”.
“Sinh nghề tử nghiệp”, điều không may và cũng là những lo lắng của vợ, người thân và những người mến mộ “Hiệp sĩ đường phố” đã xảy ra. Trong một lần truy đuổi cướp, anh Tiến bị ngã xe, bị thương nặng, được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng xương hàm bị rạn, gãy 4 cái răng, xoang mũi chấn thương, mặt bầm giập máu. Sau lần đó, gia đình có khuyên ngăn nhưng anh vẫn dứt khoát: “Mình làm việc nghĩa, tai nạn là không tránh khỏi. Tội phạm chỉ là số ít trong xã hội. Công việc này không phải chỉ biết võ, có sức khỏe mà cần lòng quyết tâm và bản lĩnh vững vàng. Còn sức khỏe là còn bắt cướp”.
Không để cái ác trỗi dậy
Không ít người cho anh Tiến là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, giỏi bắt cướp nhưng dở việc nhà. Bao năm lăn lộn mà cũng không lo được cho vợ con cuộc sống ổn định, không có được chỗ che nắng, che mưa của riêng mình. Thật vậy, gần 20 năm thuê nhà, gia đình anh cũng gặp không ít khó khăn. Khó không phải không đủ tiền trả mà là chủ nhà không dám cho thuê vì cái nghề anh làm “khác người’ nên họ sợ vạ lây. UBND TP Hồ Chí Minh cho anh được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội thì gia đình lại không kiếm đủ tiền để mua.
Sau nhiều lần cơ quan báo chí phản ánh chuyện hiệp sĩ Tiến không có nhà ở, ngày 14-9 vừa qua, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã trao tặng số tiền hơn 1 tỷ đồng từ nguồn đóng góp ủng hộ của cán bộ, nhân viên cho anh Tiến. Bà Nguyễn Thị Phụng, Chủ tịch công đoàn Eximbank cho biết: “Số tiền mà tập thể cán bộ, nhân viên Eximbank hỗ trợ anh Tiến là thể hiện tấm lòng cảm mến đối với anh. Chúng tôi muốn anh hiểu rằng, trong cuộc chiến chống lại cái ác, anh không bao giờ chiến đấu đơn độc, mà đằng sau anh có hàng triệu người, từng giờ, từng ngày dõi theo hành động nghĩa hiệp của anh. Mong anh luôn xứng đáng với lòng tin yêu của mọi người”.
Với số tiền trên, gia đình anh Tiến đã có căn nhà ở xã hội khang trang ở quận 12. An cư lạc nghiệp, bây giờ anh yên tâm đi làm việc và “bắt cướp”. Anh cũng cho biết, mình mua cho Câu lạc bộ SBC (săn bắt cướp) ba chiếc xe máy để làm phương tiện đi bắt cướp. Hôm TP Hồ Chí Minh tổ chức tuyên dương Gương sáng phố phường năm 2012, cả gia đình vinh dự được mời tham gia. Anh Tiến xúc động: “Đứa con tôi hiểu công việc của cha nên chăm chỉ học lắm, mấy năm liền là học sinh giỏi. Bé mong sau này học ngành công an để giúp người dân và bắt cướp giống cha”. Còn chị Ngọc Thu, vợ anh thì tâm sự: “Mỗi lần chồng đi ra khỏi nhà chỉ biết dặn hai từ “cẩn thận”. Tôi cũng hạnh phúc, tự hào khi anh góp phần giúp cho xã hội bình yên. Biết là nguy hiểm nhưng tôi và con luôn động viên, làm chỗ dựa vững chắc để anh cùng mọi người bắt cướp”.
Trên đường phố đông người, cũng là chỗ “kiếm ăn” của bọn cướp giật. Nhiều vụ cướp táo tợn gần đây khiến cho người dân lo lắng. Anh Tiến cho biết: Bọn cướp bây giờ hoạt động nhiều thủ đoạn và theo nhóm nên chúng liều lĩnh hơn. Một số người dân sợ vạ lây nên thấy cướp nhưng không giúp gì được. Anh đang xin các ngành chức năng cho phép thành lập Câu lạc bộ SBC do anh phụ trách vì hiện nay đang hoạt động tự nguyện và không có vị trí pháp lý. Nhưng theo anh Tiến, cướp giật một phần cũng do sơ hở của người dân. Vì vậy, phải xây dựng tốt phong trào toàn dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự thì bọn cướp không còn chỗ ẩn nấp, cái ác không thể trỗi dậy.
Ở cái tuổi 38, đứa con tinh thần cho lòng dũng cảm, sự hy sinh và tấm gương của anh là hơn 100 bằng khen, giấy khen, huy hiệu các cấp về thành tích săn bắt cướp. Anh từng được UBND Thành phố chọn là một trong 8 đại biểu điển hình dự Đại hội Thi đua toàn quốc tại Hà Nội năm 2005. Mong sao những tấm gương như Nguyễn Văn Minh Tiến ngày càng được nhân lên trong xã hội để cái tốt phát triển, đẩy lùi cái ác.
Bài và ảnh: LÊ HÙNG KHOA Xem thêm: bang chuyen ma bang, bang chuyen tai dong, bang chuyen IQF, thiet bi cap dong, tu dong tiep xuc, tu dong gio