Bảo vệ từ trong ra ngoài
Theo
các doanh nghiệp, điều họ quan tâm nhất chính là các tên miền quốc
tế, vì tên miền này chưa có chính sách bảo hộ rõ ràng như các tên miền
.vn, việc kiện tụng lại rất mất thời gian và chi phí cao.
Đại
diện một doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản cho biết, cách đây
không lâu công ty ông đã bị đối tác phàn nàn vì tuyên truyền văn hóa
phẩm đồi trụy. Nguyên nhân là tên miền quốc tế của công ty ông bị chiếm
và dẫn đến các trang web đen. Sau sự cố đó, công ty quyết định chuyển
tất cả về tên miền .vn cho dễ quản lý.
Tuy
nhiên, theo quan điểm của ông Nguyễn Xuân Tài, Tổng giám đốc Công ty
Naiscorp, chủ sở hữu trang web Socbay, trình độ nghiệp vụ của các nhà
cung cấp dịch vụ tên miền quốc tế rất cao, vì thế độ bảo mật tên miền
do họ cung cấp là rất đáng tin cậy, việc bị mất mát phần lớn là do
phía người sử dụng lỏng lẻo trong công tác quản lý.
Ông
Tài cho biết, năm 2009 trang web socbay.com đã từng bị tấn công phải
ngưng hoạt động một ngày, nguyên nhân là lộ tài khoản Gmail chứ không
phải bởi nhà cung cấp dịch vụ. Do đó theo ông Tài, các doanh nghiệp
khi đăng ký tên miền quốc tế nên đăng ký trực tiếp với nhà cung cấp
nước ngoài, đồng thời phải chọn các nhà cung cấp có các gói dịch vụ
dành cho doanh nghiệp và gửi tất cả các chứng từ liên quan để hỗ trợ
cho việc tranh chấp (nếu xảy ra). Ngoài ra, theo ông Tài, doanh nghiệp
cũng nên sử dụng các dịch vụ bảo mật đi kèm.
Chia
sẻ quan điểm của ông Tài, ông Trần Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ
phần CNTT BOM, cho biết hiện tất cả các tên miền của công ty ông đều
được đăng ký trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, với
các mức độ bảo mật cao nhất như chống di chuyển tên miền, nhắc nhở
việc gia hạn… Trong đó quan trọng nhất là ẩn địa chỉ e-mail của chủ sở
hữu, vì theo ông Anh, giới hacker thích tấn công vào các địa chỉ đó
hơn là tấn công trực tiếp vào hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ quốc
tế.
Vấn
đề sử dụng và quản lý tên miền cũng cần phải được quan tâm. Ông Anh
cho biết hiện tất cả các tên miền đều do chính ông quản lý, việc giao
dịch phải diễn ra trên máy tính bảo đảm an toàn, tuyệt đối không dùng
chung máy tính.
Còn
theo bà Lê Thị Thanh Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Điện hoa Việt
Nam, hiện việc quản lý tên miền của công ty do bộ phận CNTT đảm trách,
tuy nhiên tất cả các giao dịch với nhà cung cấp đều được thông báo cho
ban quản trị. Một số trường hợp vượt quá thẩm quyền của bộ phận CNTT,
bắt buộc nhà cung cấp phải thông báo cho ban giám đốc biết. Đồng
thời, công ty cũng đầu tư một hệ thống máy chủ riêng, tránh các trường
hợp bị tấn công do sử dụng máy chủ chung với các doanh nghiệp khác.
Ngoài ra, bà Phương cho biết công ty thường xuyên hợp tác với các đối
tác an ninh mạng tổ chức các đợt tấn công ngẫu nhiên nhằm đánh giá khả
năng bảo mật của hệ thống, để từ đó có thể chuẩn bị các giải pháp đối
phó một cách hữu hiệu.
Theo
các doanh nghiệp, tài khoản giao dịch với nhà cung cấp phần lớn là
các địa chỉ e-mail của Gmail, Yahoo... để bảo đảm tính liên tục và bảo
mật. Do đó, theo ông Tài, việc đặt mật khẩu phải đạt tính phức tạp
cao như dài ít nhất 12 ký tự, bao gồm cả chữ, số, ký hiệu; đồng thời
phải có kế hoạch thay đổi mật khẩu định kỳ hằng tháng hoặc vài tháng
một lần.
Đầu tư cho tương lai
Theo
các doanh nghiệp, đầu tư cho các tên miền liên quan đến thương hiệu
và hoạt động của công ty trong tương lai nên cần có kế hoạch triển
khai và lộ trình cụ thể, trong đó vấn đề về bảo mật thông tin luôn
phải được bảo đảm.
Trên
thực tế, có không ít trường hợp mất tên miền về tay giới đầu cơ do lộ
thông tin trong quá trình lên ý tưởng, cũng có trường hợp bị mất do
nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ đã nhanh tay đăng ký sau khi tư vấn
cho khách hàng.
Do
đó, theo bà Phương của Công ty Điện hoa Việt Nam, tất cả các thông
tin về các dịch vụ, hoạt động của công ty đều phải được bảo mật và chỉ
có thành viên trong ban quản trị mới được quyền nắm giữ những thông
tin này. Còn ông Anh ở Công ty BOM cho biết, các tên miền liên quan
đều được đăng ký ngay khi hình thành ý tưởng, bởi theo ông, thà rằng
đăng ký thừa còn hơn bỏ sót dẫn đến bị đầu cơ. Ngoài ra, theo ông Tài
của Công ty Naiscorp, cần bảo đảm rằng tất cả các tên miền liên quan
bao gồm .com, .vn, .net, .info... phải được đăng ký cùng một lúc.
Bên
cạnh đó, các doanh nghiệp đều cho rằng đối với các tên miền liên quan
đến các hoạt động mang tính chiến luợc, cần gia hạn càng lâu càng
tốt, tối thiểu là năm năm trở lên. Ngược lại, với các hoạt động ít
quan trọng hơn, tên miền chỉ cần gia hạn từ một đến hai năm là đủ.
Những trường hợp mất tên miền không ngờ đến
Quên gia hạn:
Đây là trường hợp phổ biến nhất, các doanh nghiệp thường quên gia hạn
tên miền dẫn đến việc mất tên miền do có người đăng ký trước. Thông
thường một tên miền sẽ được bảo lưu 30 ngày kể từ ngày hết hạn và có
thể bị mất vào ngày thứ 31.
Lộ thông tin:
Có nhiều trường hợp các tên miền liên quan đến dịch vụ, kế hoạch đầu
tư của công ty trong tương lai bị đăng ký trước do lộ thông tin trong
quá trình triển khai ý tưởng, lập kế hoạch. Cũng có trường hợp bị nhân
viên của nhà cung cấp dịch vụ nhanh tay đăng ký sau khi tư vấn cho
khách hàng.
Quản lý lỏng lẻo: Thông tin về tên miền, e-mail đăng ký có thể bị lộ hoặc quên gia hạn với nhà cung cấp dịch vụ do nhân viên quản lý thôi việc mà không có biện pháp bàn giao, bổ sung nhân sự kịp thời. Nhà cung cấp dịch vụ không đủ uy tín, quy mô nhỏ: Khi chọn các nhà cung cấp này, thông tin về chủ sở hữu tên miền có thể dễ dàng bị thay đổi khi tên miền trở nên có giá trị hoặc tên miền ngừng hoạt động do nhà cung cấp dịch vụ phá sản dẫn đến đóng cửa. Tranh chấp nội bộ: Đối với các doanh nghiệp phát triển từ công ty một thành viên lên các doanh nghiệp cổ phần, việc rút lui của một thành viên trong ban quản trị có thể làm xảy ra tranh chấp về các vấn đề liên quan đến tên miền |
Nhiều doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ
Trên
thực tế, theo các chuyên gia, vẫn còn không ít doanh nghiệp thờ ơ với
thương hiệu của mình trên Internet, việc mất tên miền chỉ là vấn đề
thời gian.
Có
trường hợp một doanh nghiệp kinh doanh khu nghỉ mát do không rành thủ
tục đã nhờ đối tác đăng ký giùm dẫn đến việc tên miền thì vẫn có
nhưng chủ sở hữu thì không phải doanh nghiệp kể trên. Theo một chuyên
gia trong lĩnh vực công nghệ, trường hợp này không phải là hiếm và
việc mất tên miền hoàn toàn có thể xảy ra nếu vị đối tác kia trở mặt.
"Thậm chí, nhiều doanh nghiệp sau khi đăng ký cũng không quan tâm hay
lưu trữ giấy chứng nhận sở hữu tên miền từ nhà cung cấp. Trong khi đây
là một bằng chứng rất quan trọng nếu xảy ra các vụ tranh chấp", vị
chuyên gia này cho biết thêm.
Còn
theo quan điểm của ông Ngô Đức Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Netnam,
nhìn chung các doanh nghiệp đã có ý thức đăng ký tên miền .vn và các
tên miền quốc tế (nếu có điều kiện và tên miền còn trống), nhưng hầu
hết vẫn chưa có ý thức bảo vệ toàn diện cho thương hiệu của mình, mặc
dù bài học về đầu cơ tên miền vẫn luôn nóng hổi. "Có thể thấy nhiều
doanh nghiệp có tên miền .com.vn nhưng lại không giữ tên miền .vn và
các tên miền khác như .biz.vn, .info.vn,... Trong tương lai không xa,
có khả năng họ phải mua lại các tên đó với giá cao", ông Anh cho biết.
Bên
cạnh đó, theo ghi nhận của TBVTSG, các vị lãnh đạo doanh nghiệp
thường ủy quyền cho nhân viên CNTT quản lý tên miền và không có quy
định pháp lý cụ thể hay thống kê số lượng tên miền liên quan đến dịch
vụ, hoạt động của công ty. Không ít trong số đó đều cho rằng việc bảo
vệ là của nhà cung cấp dịch vụ, trong khi tài khoản sử dụng tên miền
lại được chia sẻ để dễ quản lý.
Theo
bà Trần Thị Hoàng Dung, Giám đốc bộ phận Sàn giao dịch tên miền
thương hiệu, trực thuộc Công ty Fibo, chính điều này đã dẫn đến tình
trạng mất tên miền khi nhân viên được ủy quyền quản lý tên miền thuyên
chuyển công việc mà không thông báo cho nhà cung cấp. Công ty sẽ
không nhận được thông báo gia hạn dẫn đến việc mất tên miền quốc tế
hoặc trong nước vì không cập nhật các yêu cầu từ nhà cung cấp. Trong
trường hợp xấu nhất có thể bị nhân viên đó đánh cắp luôn tên miền.
Ông
Phạm Đặng Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ IDS, cho biết
vai trò của nhà cung cấp dịch vụ là khai báo giấy tờ với cơ quan quản
lý đối với tên miền trong nước và hỗ trợ bảo mật về mặt kỹ thuật đối
với tên miền quốc tế vì chưa doanh nghiệp nào bảo đảm 100% vấn đề này,
kể cả các nhà cung cấp ở nước ngoài. Do đó rất cần sự hợp tác và ý
thức bảo vệ tên miền từ phía doanh nghiệp. Xem thêm: dan lanh và bang chuyen IQF chất lượng hàng đầu