16 người điều khiển Curiosity, thiết bị thám hiểm sao Hỏa, bằng những mệnh lệnh được mã hóa. Nó cũng có thể vận hành theo chế độ định hướng tự động.
Hình minh họa hoạt động phân tích bề mặt sao Hỏa của Curiosity. Ảnh: NASA. |
Những chuyên gia kỹ thuật chịu trách nhiệm điều khiển
Curiosity sẽ không lái nó bằng một thiết bị cụ thể, mà thông qua những
mệnh lệnh mà họ truyền lên sao Hỏa hàng ngày, Space cho biết.
“Chúng tôi gửi mệnh lệnh tới robot tự hành để hướng
dẫn nó thực hiện từng thao tác”, Jeff Biesiadecki, một trong những
chuyên gia của Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực thuộc Cơ quan Hàng
không vũ trụ Mỹ (NASA), phát biểu.
Biesiadecki là một trong 16 người điều khiển
Curiosity, thiết bị thám hiểm đã đáp xuống sao Hỏa vào tối 5/8 theo giờ
Mỹ. Nhiệm vụ của nó là tìm kiếm bằng chứng về sự tồn tại của vi khuẩn
trên sao Hỏa trong quá khứ.
“Những người điều khiển không chỉ tập trung vào những
bánh của Curiosity. Họ còn phải vận hành cánh tay máy có chiều dài 2,1 m
của nó. Cánh tay máy có nhiều công cụ - như thiết bị phân tích đất và
máy khoan. Nhóm điều khiển cũng phải đảm bảo rằng những mẫu đất, đá mà
cánh tay máy nhặt sẽ được đưa vào những thiết bị phân tích trong thân
của robot.
Các nhà khoa học tham gia dự án thám hiểm của
Curiosity luôn vạch ra mọi hoạt động của nó một ngày trước khi hoạt động
diễn ra. Sau đó những người điều khiển mã hóa mệnh lệnh của các nhà
khoa học để gửi lên sao Hỏa.
Vì thế hàng ngày Curiosity đều nhận được chỉ thị từ
trái đất. Các nhà khoa học không muốn lên kế hoạch hoạt động cho robot
trước vài ngày, bởi vì ưu tiên của họ phụ thuộc vào những phát hiện của
Curiosity nên công việc của nó có thể thay đổi từng ngày.
Curiosity sở hữu 17 camera để tìm hiểu địa hình của hố
Gale trên sao Hỏa. Nhóm chuyên gia điều khiển rất quan tâm tới những
ảnh do 4 camera định hướng của nó chụp. Chúng được lắp trên cột của
robot.
“4 camera đó giúp chúng tôi thu được hình ảnh lập thể
về sao Hỏa. Những hình ảnh đó là yếu tố quan trọng để chúng tôi quyết
định nơi Curiosity sẽ tới vào hôm sau và lộ trình nào an toàn. Về cơ
bản, sau khi Curiosity gửi dữ liệu ảnh, quá trình lập kế hoạch hoạt động
của chúng tôi bắt đầu”, Biesiadecki nói.
Mặc dù Curiosity hoạt động theo sự điều khiển của con
người từ địa cầu, nó vẫn có một chế độ định hướng tự động. Chế độ này
cho phép nó di chuyển tự do trên hành tinh đỏ.
“Curiosity có khả năng tự chọn lộ trình. Nó sẽ ghi
hình để xác định vị trí của các chướng ngại vật trên lộ trình và tránh
chúng”, Biesiadecki giải thích.
Chế độ định hướng tự động của Curiosity sẽ được kích
hoạt khi các nhà khoa học của NASA muốn nó thám hiểm một khu vực mà nó
chưa từng chụp ảnh. Tuy nhiên, tới nay nhóm điều khiển vẫn chưa thử
nghiệm chế độ đó.