Sau 8 tháng nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm, 5 sinh viên ĐH FPT (nhóm FUFO) đã chế tạo thành công thiết bị bay có gắn camera, hoạt động bằng momen lực tạo ra từ 4 cánh quạt.
Vật thể bay này cũng chính là đồ án tốt nghiệp của
nhóm sinh viên 9X Vũ Minh Phong, Trần Thị Yến, Vũ Đức Thắng, Lý Khôi
Nguyên và Hoàng Đức Hưng, chuyên ngành Phần mềm nhúng (ĐH FPT).
Từ lúc đưa ra ý tưởng đến khi hoàn thành, hầu như ngày
nào các em cũng làm việc từ 7h đến 20h tại phòng thí nghiệm của trường.
"Thậm chí, vào những ngày cao điểm (sát hôm bảo vệ đồ án) bọn em phải
làm việc từ 6h đến khi bị bác bảo vệ đuổi về", Vũ Minh Phong (trưởng
nhóm) hóm hỉnh nói.
Nhóm FUFO với thiết bị bay tự chế. Ảnh: P.T |
Ý tưởng làm đồ án tốt nghiệp độc đáo này
xuất phát từ lần Phong tình cờ xem được video về dự án nghiên cứu thiết
bị bay 4 cánh quạt của ĐH ETH Zurich (Thụy Sĩ). Ấn tượng về vật thể bay
này mạnh đến nỗi, chàng sinh viên năm cuối quyết định "phải làm ra nó".
Nhận được sự đồng tình của 4 người bạn, cả nhóm bắt tay vào thực hiện.
Khôi Nguyên - một thành viên trong nhóm
chia sẻ, thiết bị bay này hoạt động bằng momen lực tạo ra từ 4 cánh
quạt. Bằng cách điều chỉnh tốc độ và hướng quay của cánh quạt cho phù
hợp khiến máy bay lên thẳng, hạ cánh, sang phải, sang trái, tiến trước,
lùi sau theo ý muốn. Chất liệu của thiết bị là vật liệu carbon kết hợp
với phíp thủy tinh 2 mm cùng vòng xốp bảo vệ xung quanh. Ngoài ra, thiết
bị cũng gắn camera và có thể truyền hình ảnh trực tiếp về máy tính.
Thiết bị bay này được điều khiển trên máy
tính, không có sự trợ giúp của thiết bị giám sát. Sản phẩm như thế sẽ
khó hơn rất nhiều so với sản phẩm của trường Zurich và tính ứng dụng có
thể cao hơn.
"Điều quan trọng nhất giúp sản phẩm thành
công là phải để nó duy trì thăng bằng trong không gian tự động, tăng
giảm độ cao tự động với sai số 0,5 mét và điều khiển bằng máy tính qua
đường truyền Wifi. Chẳng hạn khi em đặt lệnh bay lên 4 m thì nó phải tự
nâng độ cao lên 4 m cộng trừ 0,5 m", Thắng hồ hởi giải thích nguyên lý
của vật thể bay.
Thiết bị có thể lên đến 50-60 km một giờ trong thời gian vài chục giây. Ảnh: P.T |
Mỗi người trong nhóm một thế mạnh, cùng đóng góp ý
tưởng để làm ra sản phẩm. Thế nhưng có sản phẩm rồi và để nó bay được
lại là cả một chặng đường gian nan. "Hão huyền " lời các thành viên FUFO
nghe được nhiều nhất khi trình bày ý tưởng với bố mẹ. Tuy nhiên, sự
không đồng tình đó lại càng làm những chàng trai, cô gái thế hệ 9X thêm
"máu", quyết chứng minh mình có khả năng làm được. Sau khi chứng kiến sự
quyết tâm, cách làm việc nghiêm túc của con, gia đình đều ủng hộ và tạo
điều kiện để các em nghiên cứu.
Sau nhiều tháng nghiên cứu, chế tạo, sản phẩm mới được
thử nghiệm bay lần đầu tiên trong phòng Thí nghiệm Điện tử của ĐH FPT
Cầu Giấy. Mới đầu, nó rơi rất nhiều vì môi trường bay thực tế rất khác
lý thuyết nên các em lại phải nghiên cứu kỹ về môi trường và hiệu chỉnh
lại lý thuyết để thiết bị bay tốt hơn.
Khó khăn lại tiếp nối khó khăn khi nhóm chỉ học về
phần mềm nhúng nhưng sản phẩm lại cần có nhiều kiến thức về cơ khí, hàng
không, toán học, vật lý, tự động điều khiển... Vì thế, mỗi thành viên
trong nhóm đều rất cố gắng. "Nhiều lúc tập trung quá nên ngủ cũng nằm mơ
thấy thiết bị đang bay trên bầu trời", cô gái duy nhất của nhóm, Trần
Thị Yến nhớ lại.
Bên cạnh đó, vốn và cơ sở hạ tầng cũng khiến các sinh
viên gặp nhiều trở ngại. Họ phải bỏ ra khá nhiều tiền mua các thiết bị
về thử nghiệm. Hiện tại, số thiết bị trên máy bay chỉ trị giá khoảng 6,5
triệu đồng nhưng số thiết bị bị hỏng hóc trước đó có thể đã gấp đôi.
Mỗi tháng, các thành viên lại đóng vài trăm nghìn vào quỹ phục vụ máy
bay. Những máy móc đắt tiền như máy đo xung, máy khoan, máy hàn, máy
cắt, nhóm đều phải đi mượn hoặc nhờ vả. Thêm nữa, các em liên tục phải
tìm địa điểm từ công viên, sân Mỹ Đình đến cơ sở mới của ĐH FPT trên Hòa
Lạc.
Thiết bị bay được điều khiển bằng máy tính. Ảnh: P.T |
Khó khăn nhiều nên khi cho vật thể bay ở môi trường
thực tế vào đầu tháng 8, cả nhóm rất hy vọng. Tuy nhiên, lúc chứng kiến
cảnh nó rơi, vỡ ở cổng công viên, ai cũng ngao ngán, buồn mất mấy ngày.
Nhưng tình yêu khoa học, tinh thần đồng đội vẫn gắn kết được những chán
chường. Để tiết kiệm chi phí, các em nghĩ ra hộp đồ sơ cứu để sửa chữa
máy bay tại chỗ. "Thiết bị này chinh chiến nhiều, vá víu, buộc, nẹp,
thương tích đầy mình. Chúng em cũng thấy hơi lạ khi thấy nó còn bay
được, chắc vì thấy nhóm không bỏ cuộc nên nó cũng cố gắng đi nốt quãng
đường tiếp theo", Đức Hưng tâm sự.
Tám tháng làm việc với nhau là quãng thời gian đáng
nhớ nhất trong cuộc đời sinh viên của nhóm FUFO với những kỷ niệm vui,
buồn. Trên suốt chặng đường hoàn thành sản phẩm đồ án, đồng hành cùng 5
sinh viên là sự giúp đỡ của gia đình và các thầy cô. "Có thể nói đồ án
này của chúng em là sự tổng hợp kiến thức của rất nhiều giảng viên và sự
giúp đỡ nhiệt tình của các bác bảo vệ. Nếu không nhờ các bác, chúng em
chắc cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn", trưởng nhóm FUFO nói.