Vệ
tinh F-1 của Phòng nghiên cứu không gian FSpace sẽ rời Trạm vũ trụ quốc
tế (ISS) vào thứ năm tới, bắt đầu thời kỳ hoạt động trong không gian.
Ông Vũ Trọng Thư, Trưởng phòng nghiên
cứu FSpace, cho biết dự kiến vệ tinh tự chế tạo của Việt Nam sẽ được thả
ra ngoài không gian vào khoảng 23h30 giờ Hà Nội. Phi hành gia người
Nhật Akihiko Hoshide sẽ điều khiển cánh tay robot thả các vệ tinh.
Mô hình mô phỏng các vệ tinh nhỏ trong đó có F-1 thả ra
ngoài không gian bằng cánh tay robot. (Đồ họa: FSpace)
F-1 được thả rời trạm ISS với vận tốc
5cm/s, theo hướng 45 độ so với phương thẳng đứng và ngược với chiều
chuyển động của trạm ISS. Việc làm này đảm bảo các vệ tinh nhỏ có quỹ
đạo thấp hơn và không đâm trở lại trạm ISS trong những vòng quay sau đó.
30 phút sau khi rời cánh tay của trạm
ISS, vệ tinh F-1 mới bắt đầu thực hiện các công việc đầu tiên như bung
ăng-ten, phát tín hiệu, để không gây ảnh hưởng đến các hoạt động trên
trạm ISS. F-1 sẽ bay vòng quanh trái đất trên quỹ đạo tương tự như của
trạm ISS, với chu kỳ 92 phút/vòng.
Từ trạm điều khiển mặt đất đặt tại Hà
Nội, nhóm FSpace đưa ra các lệnh điều khiển F-1 để nó chụp ảnh hay thu
thập dữ liệu về từ trường, nhiệt độ.
Vệ tinh nhỏ F-1 có kích thước 10x10x10cm
và nặng 1kg, do FSpace nghiên cứu và chế tạo. Nó được đưa vào không
gian ngày 21/7 cùng bốn vệ tinh khác bằng tên lửa của Cơ quan nghiên
cứu và phát triển Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Sự kiện này mở ra
bước ngoặt trong ngành khoa học vũ trụ Việt Nam: lần đầu tiên một vệ
tinh do chúng ta tự chế được đưa lên không gian.
"Nếu F-1 đi vào hoạt động, vệ tinh
có thể được ứng dụng trong công tác giám sát tàu thuyền trên biển Đông,
phòng chống nạn xả trộm dầu trên biển, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, phát
hiện cháy rừng sớm hay phục vụ các nhu cầu viễn thông, viễn thám khác", ông Thư nói.