Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, sau khi rà soát Bộ Y tế đã đề nghị một số BV phải điều chỉnh giá để phù hợp hơn với điều kiện của địa phương.
Sau hơn một tháng triển khai giá dịch vụ y tế mới
(1/8), đa số người dân còn ngỡ ngàng với việc mức giá tăng quá cao.
Trong số 447 dịch vụ y tế được đề xuất tăng giá thì vẫn còn nhiều đề mục
cần điều chỉnh sao cho phù hợp với đa số ý kiến của người bệnh.
Điều chỉnh sự tăng giá bất hợp lý
Ông Liên cho rằng, các sở y tế cùng sở tài chính, BHXH tại các địa phương cần nghiêm túc rà soát khung giá viện phí mới,
nếu phát hiện thấy sự bất hợp lý thì phải kiến nghị cấp thẩm quyền để
có hình thức điều chỉnh phù hợp. Theo BHXH Việt Nam, tiền công khám bệnh
do BHYT thanh toán hiện là 15-20.000 đồng/lần, như thế là đã tăng 5-7
lần so với giá cũ.
Việc điều chỉnh này nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Người bệnh hy vọng với mức giá tăng cao thì sẽ được khám và tư vấn kỹ càng hơn, chất lượng sẽ cao hơn, tuy nhiên trên thực tế, tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến TƯ vẫn ở mức cao từ 80-90 bệnh nhân/bàn khám/ngày.
"Chẳng có BV nào có thể thực hiện ngay việc nâng cấp trang thiết bị ngay khi tăng giá".
|
Giá khám bệnh đã tính cả tiền mua sắm thay thế bàn,
ghế, dụng cụ khám bệnh, bộ nào cũ thì phải thay, giường bệnh phải có
chăn ga, gối, đệm, quần áo cho bệnh nhân, các bệnh viện
phải cung cấp. Tuy nhiên, ông Liên cũng thừa nhận, chẳng có BV nào có
thể thực hiện ngay việc nâng cấp trang thiết bị ngay khi tăng giá.
Tình trạng nằm ghép, nằm hành lang, nằm trên băng ca vẫn khá phổ biến.Trong tháng 10 này, tất cả các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ thực hiện giá viện phí mới
và theo kế hoạch sau 6 tháng thực hiện Bộ Y tế sẽ kiểm tra, rà soát
lại, nếu thấy dịch vụ nào bất hợp lý tiếp tục phải điều chỉnh.
Giá không giảm như mong đợi
Phòng đợi bệnh nhân khoa Ung bướu bệnh viện K - Hà Nội
đông nghịt. Ngay cạnh khu vực thanh toán viện phí, bảng giá dịch vụ y
tế được dán phía trước cửa, người bệnh có thể dễ dàng tham khảo khung
giá của 447 dịch vụ.
Cụ thể như nội soi ổ bụng có sinh thiết giá cũ là
30.000 đồng, giá mới 675.000 đồng; mổ quặm hai mi - gây tê từ 30.000
tăng lên 505.000 đồng; phẫu thuật mộng đơn thuần một mắt - gây tê tăng
từ 40.000 lên 615.000 đồng; nội soi thực quản từ 30.000 đồng tăng lên
148.000 đồng/lần…
Cầm cuốn sổ y bạ và tập hồ sơ bệnh án dầy cộp ngồi tại khu ghế dành cho bệnh nhân của Bệnh viện K Hà Nội,
chị Nguyễn Thị Thu (Thanh Hóa) cho biết, mình ra đây siêu âm lại cái
dạ dày mà đã chữa từ năm 2009. Giá cho một lần siêu âm màu 3D từ 350.000
- 370.000 đồng/lần.
Thế nhưng chị được bác sỹ thông báo, chị có khả năng
phải mổ lại nên cần chuẩn bị sẵn 6 triệu đồng tiền đặt cọc để nhập viện
và 2 triệu đồng tiền nội soi ổ bụng cùng vài xét nghiệm liên quan đến tế
bào. “Dù được thanh toán BHYT nhưng tiền tái khám mà gấp gần 2 lần so
với lần đầu vào đây để phẫu thuật, cắt đi đoạn dạ dày bị nghi ung thư” -
chị Thu nhẩm tính thì đúng là quá cao.
Khi được hỏi "tại sao chị không khám ở quê?" chị cho biết, ở các bệnh viện đa khoa ở Thanh Hóa đều không có khoa Ung bướu này nên chị phải cất công ra tận đây.
Còn tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai, bác Thành (50 tuổi, Hoài Đức,Hà Nội) cho cô con gái lên khám bệnh và mổ vì lệch đĩa đệm chia sẻ: "Bệnh viện
bảo nộp bao nhiêu thì nộp thôi, chứ cũng chả biết cụ thể là viện phí
tăng hay giảm bao nhiêu. Tiền chụp chiếu Xquang, siêu âm có giảm đâu,
vào viện nộp một khoản gọi là tạm thu viện phí 5 triệu đồng, rồi hằng
ngày làm thêm dịch vụ gì thì lại nộp tiền, sau này ra viện, bảo hiểm chi
trả bao nhiêu biết bấy nhiêu. Đấy là chưa kể tiền thuốc men, tiền phòng
dịch vụ, tiền phụ phí dành cho bác sĩ mỗi lần tiêm, thay băng…".
Bệnh viện tận thu nhờ 'đề xuất tăng cao những dịch phụ đắt khách'
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 22 bệnh viện (BV) tuyến TƯ được thẩm định phê duyệt giá viện phí mới, trong đó có 16 BV thực hiện giá viện phí mới
với mức tăng từ 88-94,8% so với khung giá tối đa trong tháng 9 này. Cụ
thể là các BV: Nhi TƯ, Lão khoa TƯ, Bệnh Nhiệt đới TƯ, Chợ Rẫy, Thống
Nhất, 74 TƯ, Tâm thần TƯ 1, Tâm thần TƯ 2, Hữu nghị, Đa khoa TƯ Thái
Nguyên, Viện Bỏng Lê Hữu Trác, Đa khoa TƯ Cần Thơ, Hữu nghị Việt Nam -
Cuba Đồng Hới…
Ngoài ra, 37 địa phương cũng đã thực hiện giá viện phí mới. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM vẫn đang trong quá trình xây dựng khung giá.
Phó Trưởng ban Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Vũ Xuân
Bằng cho biết, một số BV đã đưa khung giá cao nhất đối với các dịch vụ
có tần suất sử dụng nhiều như chụp Xquang, chụp CT, còn với các dịch vụ
tần suất sử dụng thấp thì vẫn duy trì mức giá thấp. Tuy nhiên, trong
thực tế, việc chọn tăng giá ở mức cao đối với những dịch vụ "đông
khách", “đắt hàng” đã cho BV cơ hội tận thu. Ở những dịch vụ có tần
suất sử dụng ít như sinh thiết, tủy xương thì giá đề xuất ở mức thấp. Từ
đó, nếu tính bình quân thì giá tăng trung bình không quá cao, phù hợp
với tình hình kinh tế của địa phương đó nhưng người bệnh vẫn chịu thiệt
thòi với mức giá viện phí "ngất ngưởng".
Để chất lượng dịch vụ được cải thiện, phù hợp với giá
"cao ngất" như hiện nay thì thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sỹ chính
là điều tiên quyết, là điều mà hàng ngàn người bệnh đang mong chờ.