Nhiều
doanh nghiệp đang băn khoăn không biết nên chọn tên miền nào cho phù
hợp, tên miền quốc tế (.com,.net..) thì phổ thông được nhiều người biết
đến, trong khi tên miền quốc gia (.vn) thì được Nhà nước bảo hộ, có thể
giúp lấy lại nếu bị mất cắp. TBVTSG ghi nhận ý kiến của các chuyên gia
về vấn đề này.
Ông Huỳnh Ngọc Duy, Giám đốc Công ty Mắt Bão Media:
"Giá trị các trang web là như nhau"
Các
tên miền .com hay .vn về mặt giá trị trang web là như nhau. Điều quan
trọng là doanh nghiệp muốn nhắm đến đối tượng khách hàng nào, nếu
nhắm đến khách hàng trong nước thì nên dùng tên miền .vn, nếu nhắm đến
khách hàng quốc tế thì mới dùng .com hay .net.
Hiện
nay, một số công ty tại Việt Nam mua tên miền quốc tế thường thông
qua một đại lý, nhà cung cấp (như Enom) sau đó sử dụng luôn chứ không
dùng thêm các gói bảo mật của quốc tế nên rất dễ bị mất.
Còn
tên miền Việt Nam ngay từ lúc doanh nghiệp đăng ký đến lúc sử dụng
đều phải khai báo với VNNIC, mọi thứ đều phải có chữ ký, giấy tờ xác
nhận nên rất khó bị mất. Tuy nhiên, nếu lỡ bị mất, doanh nghiệp có thể
đề nghị VNNIC can thiệp và lấy lại nếu chứng minh được tên miền đó do
mình sở hữu trước đây.
Chi
phí ban đầu cho việc thiết lập tên miền có đuôi .vn là khoảng 800.000
đồng, sau đó từ năm thứ hai trở đi, doanh nghiệp phải đóng thêm
khoảng 300.000-400.000 đồng mỗi năm. Trong khi đó, chi phí duy trì tên
miền quốc tế tuy rẻ hơn, khoảng 200.000 đồng/năm (10 đô la Mỹ) nhưng
bù lại doanh nghiệp phải bỏ ra một số tiền khoảng 3-4 triệu đồng/năm
cho dịch vụ bảo mật nếu không muốn bị hack hay lấy cắp.
Trên
thực tế, các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo, Bing sẽ dễ dàng tìm
kiếm các tên miền có đuôi .com, .net hơn tên miền Việt Nam. Tuy nhiên,
nếu doanh nghiệp tiếp thị trực tuyến tốt, đầu tư có bài bản cho việc
tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) hay sử dụng dịch vụ Google Adwords
thì tên miền của doanh nghiệp có đuôi .vn cũng sẽ hiện lên trang đầu
trong danh sách kết quả tìm kiếm.
Ông Huỳnh Việt Phương, Giám đốc Công ty P.A Việt Nam:
"Tên miền .vn phù hợp cho cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam"
Các
tên miền Việt Nam phù hợp cho cá nhân lẫn doanh nghiệp. Theo tôi, các
doanh nghiệp nên chọn tên miền .vn vì tên miền dạng này được Nhà nước
bảo hộ, nếu bị mất có thể nhờ Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) trợ
giúp lấy lại. Còn tên miền quốc tế nếu sử dụng thì phải đăng ký gián
tiếp ở nước ngoài qua Internet, không có bất kỳ hợp đồng gì, nếu xảy
ra mất mát thì rất khó xử lý, tốn chi phí nhưng chưa chắc lấy lại
được.
Ngoài
ra, tên miền Việt Nam đã giảm giá rất nhiều so với trước đây. Bên
cạnh đó, không chắc là để được nhiều người biết đến thì buộc phải chọn
tên miền .com, còn tên miền .vn thì ít người biết, vì điều này phụ
thuộc rất nhiều vào chiến lược tiếp thị của mỗi doanh nghiệp.
Hiện
một số trang web nổi tiếng ở Việt Nam cũng đều sử dụng tên miền .vn
thay vì .com. Ngoài ra, theo tôi người sử dụng cũng sẽ tin tưởng doanh
nghiệp hơn nếu truy cập vào các trang web có đuôi .vn vì biết rõ các
trang này ở Việt Nam, có đăng ký kinh doanh ở Việt Nam.
Bà Trần Thị Hoàng Dung, Giám đốc bộ phận Sàn giao dịch tên miền thương hiệu, trực thuộc Công ty Fibo:
"Nên đầu tư tối thiểu 4-5 loại tên miền"
Theo
quan điểm của tôi, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu trên Internet
là một cuộc chiến lâu dài. Do đó, để tránh bị đối thủ đầu cơ hay phá
hoại hoặc trục lợi, các doanh nghiệp nên đầu tư tối thiểu 4-5 loại tên
miền theo thứ tự .com, .net, .vn, .com.vn, .co (tên miền .co dự kiến
sẽ thay thế .com khi tên miền này cạn kiệt). Doanh nghiệp không nên
quá lo lắng về chi phí để duy trì các tên miền vì việc gia hạn hằng
năm chỉ tốn khoảng hai triệu đồng.
Một
khi đã mua "bao vây" được nhiều tên miền nhằm bảo vệ thương hiệu và
tránh chia sẻ khách hàng trên Internet thì doanh nghiệp nên sử dụng tất
cả các tên miền đó bằng cách trỏ vào cùng một trang web chính của
mình. Điều này giúp cho người sử dụng vào trang web của doanh nghiệp
bằng tên miền nào cũng được, đồng thời nâng cao cơ hội xuất hiện thương
hiệu doanh nghiệp trên các cỗ máy tìm kiếm.
Để
bảo đảm an toàn trong việc sử dụng và bảo vệ tên miền, doanh nghiệp
nên sử dụng thêm dịch vụ bảo mật như cấm chuyển tên miền, nhắc gia hạn
tên miền… nhằm tránh bị mất tên miền vì những nguyên nhân không lường
trước được như quên gia hạn, bị nhân viên cũ đánh cắp… Không nên tiết
kiệm chi phí trước mắt này để tránh những hậu quả không mong muốn sau
này. Nếu so sánh với việc mua lại tên miền từ những tay đầu cơ hoặc
đánh mất tên miền sau một thời gian dài đầu tư cho việc tối ưu hóa hệ
thống tìm kiếm (SEO) thì chi phí này là rất thấp.
Ông Ngô Đức Anh, Phó tổng giám đốc công ty Netnam:
"Đầu cơ tên miền là bình thường"
Các
doanh nghiệp cần nhìn nhận đầu cơ tên miền là việc bình thường, bởi
người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Do đó, cần
có ý thức bảo vệ bản quyền và chuẩn bị cho tương lai của chính mình,
điều này đồng nghĩa với việc phải chấp nhập mất chi phí để tránh những
trường hợp đáng tiếc về sau.
Tên
miền .vn được đặt ở Việt Nam và được bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam.
Khi có tranh chấp hoặc có vấn đề kỹ thuật sẽ được hỗ trợ dễ dàng hơn.
Các tên miền quốc tế như .com, .net thì có giá trị thương hiệu cao hơn
với mức phí duy trì thấp nhưng đòi hỏi sự chú ý nhiều hơn trong việc
bảo vệ tên miền. Do đó, chúng tôi thường khuyên doanh nghiệp gia hạn
cho nhiều năm và chuyển quyền quản lý kỹ thuật từ nước ngoài về Việt
Nam thì sẽ an toàn và đạt được nhiều lợi ích về thương hiệu.
Ông Phạm Đặng Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ IDS:
"Cân nhắc mua thêm tên miền quốc tế"
Theo
tôi, tốt nhất là nên có tối thiểu một tên miền .vn, vì tên miền .vn
khi đăng ký đều có giấy tờ chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước,
trong đó có chứng nhận của chủ thể tên miền đối với tên doanh nghiệp,
số đăng ký kinh doanh, địa chỉ… Khi có sự tranh chấp xảy ra, chỉ cần
làm tờ trình kèm theo các giấy tờ chứng minh thì sẽ không lo bị mất tên
miền.
Theo
đà hội nhập quốc tế, doanh nghiệp có thể cân nhắc mua thêm tên miền
.com, .net tùy theo nhu cầu. Hiện tại chúng tôi đều tư vấn đăng ký các
tên miền quốc tế bên cạnh các tên miền .vn.
Xem thêm:
dan lanh và
bang chuyen IQF chất lượng hàng đầu